[Review] Cao lương đỏ

1. Cũng hơn cả thập kỷ rồi Trung Quốc mới có một phim truyền hình xem hay như Cao lương đỏ. Một bộ phim có sức nặng đủ để người xem phải chìm đắm và ngẩn ngơ.

https://youtu.be/GaS0Ignd5Zo

2. Tất nhiên, với thời lượng 60 tập, mỗi tập 40 phút thì rất khó để Cao lương đỏ là một tác phẩm hoàn hảo. Nhưng, phải khẳng định rằng, nếu người xem bỏ qua tính “miên man” của drama, và xếp thành kiến về Trung Quốc qua một bên thì Cao lương đỏ là một dạng phim truyền hình hiếm hoi lắng đọng được câu chuyện về cuộc đời con người trầm trong thời đại loạn lạc, để rồi buông rơi một câu chuyện mang tính sử thi đẹp lòng người xem.

3. Chính xác thì Cao lương đỏ đáng giá ở điểm nào? Điểm đầu tiên, chính ở tính trực diện mà Cao lương đỏ đâm thẳng vào, xuyên qua những gì tham vọng nhất, trần tục nhất, phản trắc nhất để rồi cho người ta thấu hiểu chính bản thân mình. Nói một cách khác, Cao lương đỏ đã lột trần xã hội xấu xa như vốn nó xấu xa với những tư tưởng cổ hủ đáng sợ, với những sự thờ ơ lẫn thủ đoạn tàn nhẫn xót xa, hay với những ước mơ ngây thơ nhất để rồi đau đớn đến tột cùng khi người ta buộc lòng đánh mất đi sự ngây thơ sót lại. Đó chính là nguyên nhân mở đề để những tác giả trầm cuộc đời nữ chính Đới Cửu Liên vào những thăng trầm ở vùng đất Cao Mật với bạt ngàn những ruộng cao lương phấp phới bay.

4. Để rồi, từ đấy, cuộc đời của nữ chính trãi dài trên những cung đường của số phận, thứ số phận không phải để con người trốn chạy, mà là thứ số phận cô ấy lựa chọn, đánh đổi để lựa chọn và dạt theo những lối mòn vô hình. Để dù là lựa chọn lấy chồng bệnh tật, hay lựa chọn đắm vào mối tình ngoài luồng, lựa chọn đấu tranh giận dỗi, hay lựa chọn chấp nhận tủi nhục đều là quyết định của riêng cô – của tuổi trẻ nông nỗi, của trung niên trưởng thành đều là những quyết định cô đánh cược cuộc đời vào mong muốn thiết tha trong thời đại đang chuyển mình đổi thay, đầy biến động và đã lung lay. Có đôi lúc khi xem tôi cảm thấy phim có hơi chút không thật, có đôi lúc ngỗ ngáo quá, có đôi lúc quá độ phơi bày, nhưng nghĩ lại, những vấn đề dramatic ấy đều có thể hiểu được với mục đích đẩy nhanh cao trào phim tiệm tiến lên một nấc mới, chông chênh hơn, sự bùng nổ đó là để trầm lắng hơn câu chuyện nhiều dư vị chua chát của cuộc đời.

5. Cách dẫn dắt tình tiết nhịp nhàng với mấu chốt thắt mở tự nhiên, không gồng gân mà tiệm tiến để đánh bật hết lần này đến lần khác vào không phải tâm lý nhân vật này thì là nhân vật kia. Xoay thế giới không phải chỉ để tô hồng nữ chính, mà là để tả lại nhiều thế sự với những bi kịch của riêng mỗi người, và hướng những nhân vật ấy tìm lấy hạnh phúc trong ánh sáng le lói của thời đại mới – ánh sáng của bản ngã, của sự can đảm đánh đổi. Chính vì thế, phim đã xây dựng một cốt chuyện không phải bi kịch, mà là một cốt truyện bi tráng với hơi thở thời đại cần thiết để vượt lên hàng tấn bi kịch ủy mị đầy rẫy trong phim ảnh Trung Quốc thời nay, những bi kịch rỗng tuếch được những fan phim ảnh ca tụng, những nỗi đau chả đáng lấy một xu mà khán giả bây giờ thương vay khóc mướn. Đẳng cấp bi tráng đó khiến Cao lương đỏ vượt qua một tác phẩm của cùng đạo diễn và hay được so sánh cùng là Chân hoàn truyện – tác phẩm lịch sử tào lao với hệ thống tâm lý diêm dúa tô hồng nữ chính đầy rẫy trong phim ảnh bây giờ .

6. Điểm thứ hai, Cao lương đỏ giá trị ở diễn xuất của Châu Tấn. Tất nhiên một mình Châu Tấn thì không thể hô biến chất lượng bộ phim. Vẫn phải nói rằng dàn diễn viên thực lực của Cao lương đỏ là điểm sáng ngời xây dựng nên chất lượng đó, những diễn viên biết cách diễn không cần overact vẫn nhấn nhá đủ độ tâm lý khó bắt buông của nhân vật. Đó là một quan huyện Hàn Đông Sinh cả đời muốn diệt cướp trị an, đó là tư lệnh thổ phỉ Châu Á Văn nóng như Trương Phi mà yêu đến điên dại, đó là tướng Nhật Mộc Phiên Long trầm lặng tàn nhẫn, hay với một góa phụ Tần Hải Lộ u uẩn khát khao một tình yêu. Tất cả tạo nên những thước phim nhiều điểm rơi cho Cao lương đỏ. Nhưng Châu Tấn là linh hồn của cả bộ phim. Cách diễn, phong thái chìm trôi bất cần lẳng lơ hay tức giận bùng nổ của cô đào xứ Trung này đều lão luyện đến độ chẳng hề thấy cô ấy diễn chút nào-với một vai diễn đầy dramatic, với những chuỗi tình tiết ngập đầy đau thương phải thể hiện mà cô ấy cũng diễn đầy tiết chế, đủ say để yêu, đủ tỉnh để buồn, và đủ xót xa để nín lặng nỗi đau. Cô hòa lẫn nỗi đau xen trong ánh mắt buồn cương nghị, hòa lẫn mất mát vào khóe môi nhích nhẹ không than khóc nhưng khiến những nỗi đau ấy, những mất mát ấy như là của chính cô. Đó gọi là trình độ thượng thừa.

7. Điểm cuối cùng, thật sự cũng lâu rồi tôi mới xem được một đoạn kết phim hài lòng đến vậy, khoảng 10 phút, mà chính xác là 2 phút cuối phim thật sự đẹp quá đỗi. Với ánh chiều tà bom nổ tung trời, với khúc ca từ biệt buông rơi cả thời gian. Người đi, kẻ ở và sắc chiều ruộm vàng hôm ấy cứ ngẩn ngơ bên áng lau phơ phất. Ruộng cao lương đỏ chập chùng xanh miết chôn mắt khán giả vào ánh mắt Châu Tấn nửa chừng man dại, nửa chừng ngác ngơ. Và thế là, người ta quay lưng lại bước tiếp cùng thời gian mà chẳng thể quên một áng chiều thăm thẳm… Chính điều đó, khiến tôi lơ qua vài tình tiết thắt nút không hài lòng ở lưng chừng đoạn cuối, và đã lơ qua thì tôi cũng sẽ không cụ thể hóa làm gì. Bởi đoạn kết đã nồng hơi men chuếch chóang lòng người trong giai điệu man mác lặng buồn áng chừng đủ để ngà say…
“Đường dài thênh thang, thuyền dài vô tận, ngựa phi nước đại, ngọt đắng nào hay…”

Một suy nghĩ 1 thoughts on “[Review] Cao lương đỏ

  1. Kiều Minh Phương

    Trong phim em thấy chuyện tình cảm của Dư Chiêm Ngao và Cửu Nhi quá phi lý. Tại sao cô ấy không đi theo Chiêm Ngao và nếu quyết định ở lại Thiện gia rồi tại sao lại còn một cách trắng trợn qua lại với anh thổ phi kia như vậy. Thế cuối cùng là cô ấy muốn sao ạ? Em biết là gia đình Thiện gia do cô ấy làm chủ sau này có công rất nhiều nhưng đoạn tình cảm của Cửu Nhi và Chiêm Ngao khiến em thấy khó hiểu. Cô ấy muốn đấu tranh giải thoát thì hãy đi theo anh thổ phỉ luôn đi chứ.

    Thích

Bình luận về bài viết này