Sát Phá Lang – “Hào khí và nhiệt huyết nam nhi là muôn đời vẫn đẹp”

Có một điều ở phim võ thuật hình như không thật sự tuân theo quy luật chung của điện ảnh chính thống: một câu chuyện bình thường, nhiều khi vẫn làm nên một phim võ thuật ra trò. Có lẽ vì một phần không nhỏ (nếu không muốn nói là lớn nhất) cái hay của phim võ thuật nằm ở những cảnh quyết đấu. Những phim vừa có câu chuyện tốt vừa có võ thuật phi phàm rất hiếm hoi, và mỗi khi chúng xuất hiện, người xem lập tức biết ngay: bộ phim này, kể từ mai, sẽ có chỗ trong “đền thiêng” của thể loại võ thuật.

Sát Phá Lang là một phim như thế.

S.P.L. ra đời trong một bối cảnh có thể nói là “người trước chẳng thấy ai, người sau thì chưa thấy.” Bước vào thập niên 2000, Lý Liên Kiệt sa sút đáng kể từ khi sang lập nghiệp ở Hollywood. Những bộ phim “made in USA” của Lý vẫn làm khán giả phương Tây thỏa mãn, nhưng lại khiến khán giả Châu Á hoang mang. Tất cả chờ đợi trong tuyệt vọng người sẽ kế tục anh để trở thành tượng đài mới của điện ảnh võ thuật. Nỗi hoang mang càng tăng thêm gấp bội trước sự ra đời và áp đảo của Ngọa hổ tàng longAnh hùng – những tác phẩm cổ xúy cho wire-fu, phát huy kỹ xảo thay vì võ thuật thực chiến.

Trong thời điểm ấy, S.P.L. xuất hiện, uy mãnh như một chiêu Kiến long tại điền của Kiều Phong, và có thể nói đã khắc vào vách đá dòng chữ: Bắc Lý (Liên Kiệt), Nam Chân (Tử Đan). Thật ra, sự ganh đua này đã nhen nhóm từ 1992, khi Chân và Lý, dưới sự chỉ đạo của Viên Hòa Bình, cũng đã tạo nên một cảnh quyết đấu kinh điển trong Hoàng Phi Hồng II. Trước S.P.L., Chân đã nổi tiếng với Thiết mã lưu (Iron Monkey) và nhiều phim khác, nhưng phải đợi đến S.P.L., vị thế không thể tranh cãi của anh trong làng điện ảnh võ thuật Hongkong mới được xác lập. Và không chỉ vậy, S.P.L. còn đánh dấu sự nổi lên của một ngôi sao mới, hứa hẹn kế tục Lý và Chân: Ngô Kinh.

Khác với phần lớn phim võ thuật, S.P.L. chỉ có duy nhất hai trường quyết đấu, song cả hai đều ác liệt tới mức làm người xem phải rùng mình. Thứ nhất là Phá Quân (Chân Tử Đan) chiến Thất Sát (Ngô Kinh), thứ hai là Phá Quân đấu Tham Lang (Hồng Kim Bảo).

Trong những cảnh giao đấu, thì giao đấu trong không gian hẹp bao giờ cũng hấp dẫn nhất, vì quyết chiến sinh tử vốn dĩ đã căng thẳng lại bị cái bức bối của không gian bóp nghẹt thêm một tầng. Và Chân Tử Đan hình như đặc biệt có duyên với những ngõ hẻm: năm 2005, tại ngõ hẻm của một tòa thành đất ngoài đại mạc, Sở Chiêu Nam của anh đã tử chiến với Phong Hỏa Liên Thành trong Thất kiếm. Lần này, ở một ngõ hẻm Hongkong, anh đối diện với sát thủ A Kiệt trong một trận ác đấu làm ta không khỏi liên tưởng đến một ngõ hẻm khác, của 13 năm trước, khi Nạp Lan Nguyên Thuật đối mặt với Hoàng Phi Hồng. Chỉ khác có một điều: khi xưa hai cao thủ dùng trường côn, một cứng một mềm, còn nay là đoản đao đấu đoản côn. Một tấc ngắn là một tấc hiểm, bọn họ lao vào nhau bằng những chiêu sát thủ, đúng tác phong “nhanh, chuẩn, độc” thường thấy ở truyện Cổ Long. Có một điều đáng chú ý là sát thủ mặc đồ toàn trắng còn cảnh sát y phục đen tuyền. Đây, phải chăng là ẩn dụ của Diệp Vĩ Tín về một thế giới hắc bạch khó phân của Hongkong thủa ấy? Cũng phải nói thêm rằng không chỉ võ nghệ phi phàm, tạo hình của Đan cũng cool đến nỗi số khán giả trầm trồ về chiếc áo da và cái cách anh cởi áo ném đi cũng không thua số người hâm mộ võ thuật của anh là mấy.

Công bằng mà nói thì cuộc chiến thứ hai, Mã Quân vs. Vương Phá có phần kém hấp dẫn hơn trận một. Phần vì Hồng Kim Bảo đã già và đã béo, bề ngoài không phải là đối thủ xứng tầm với Chân Tử Đan đang độ tráng niên. Tuổi tác và cân nặng khiến Hồng không còn đủ linh hoạt để thi triển những đòn thế phức tạp như thời đỉnh cao. Chiêu thức mà hai bên sử ra vì thế nặng về cầm nã và đấu vật, dù vẫn cực cùng hung hiểm nhưng lại thiếu đi phần đẹp mắt so với trận trước.

Thế nhưng, càng xem kỹ hai đoạn giao đấu này, người ta càng trân trọng Chân Tử Đan hơn, vì nó thể hiện những nỗ lực không mệt mỏi của anh cả trong vai trò diễn viên lẫn trên cương vị chỉ đạo võ thuật. Nhìn lại một loạt phim của Đan thời gian qua như Đạo hỏa tuyến, Diệp Vấn 1 2, Thập nguyệt vi thành, Võ hiệp… có thể thấy anh luôn không ngừng tìm tòi, thể nghiệm, chắt lọc tinh túy của các nhà các phái, từ Wushu đến Taekwondo, từ Vịnh Xuân đến quyền Thái, từ boxing đến Judo… nhằm mang đến những điều mới mẻ cho điện ảnh võ hiệp. Đây có lẽ là điều khiến Donnie mặc dù thành danh sau nhưng sẽ đứng trước Jet Li trong lòng người hâm mộ.

Nếu chỉ dừng lại ở đó thôi thì có lẽ S.P.L. cũng là một phim võ thuật “coi được” như rất nhiều phim khác. Nhưng, may mắn hơn rất nhiều phim khác, S.P.L. có một câu chuyện khá tốt, và chính điều đó đã làm nên sự khác biệt. Lấy bối cảnh Hongkong trước thời điểm trở về với Đại lục, bộ phim đượm một màu sắc hoài cổ như thể nhớ tiếc thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Hongkong. Quả tình, S.P.L. mang âm hưởng của những Anh hùng bản sắcNhân tại giang hồ rất rõ, khi ranh giới trắng đen, thiện ác trở nên rất mơ hồ, kịch bản không phải là điều quá quan trọng và logic cũng chỉ là thứ yếu, chỉ có hào khí và bầu nhiệt huyết nam nhi là muôn đời vẫn đẹp, và vẫn làm người xem ngây ngất, đê mê.

Chính vì thế nên S.P.L. ung dung đi theo một cốt truyện đã trở thành kinh điển: cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa cảnh sát với tội phạm; trong đó cảnh sát dù thoái hóa – ngụy tạo bằng chứng, biển thủ tang vật, bóp méo khẩu cung… – nhưng vẫn là những hán tử đầu đội trời chân đạp đất; còn tội phạm dẫu tàn độc, không từ thủ đoạn nhưng vẫn có những nét rất con người. Tuy những sát chiêu đẩy nhân vật của Diệp Vĩ Tín đến hai bờ đối nghịch của sống và chết, nhưng sâu kín trong họ vẫn chảy chung một mạch ngầm cảm xúc rất bản năng: tình phụ tử. Trần Quốc Trung săn đuổi kẻ thù vì muốn trả thù cho con, Vương Phá tàn độc vì muốn được ở bên con, Mã Quân làm cảnh sát vì muốn xứng đáng với cha mình, hai thuộc cấp của Trần chết đi cũng chỉ vì khát khao tìm lại tình phụ tử…

Mở đầu bằng một người cha chết đi để lại đứa con và kết thúc cũng bằng một người cha chết đi để lại đứa con, S.P.L., sau một trường sát kiếp, lại để lại trong lòng người xem không ít những bùi ngùi.

Vi Nhất Tiếu

TTVH & ĐÔ 8/2012