Các thế hệ đạo diễn Trung Quốc đại lục

1. Thế hệ thứ 1 (1896-1945)

Những thước phim đầu tiên được quay ở Trung Quốc là tại Thượng Hải năm 1896. Bộ “phim” đầu tiên, Định Quân Sơn (定军山), là một vở kinh kịch quay lại bằng kỹ thuật điện ảnh, được thực hiện tháng 11 năm 1905. Trong giai đoạn đầu này, phần lớn các công ty làm phim nằm trong tay những người phương Tây, mãi đến năm 1916 nền điện ảnh nội địa của Trung Quốc mới thực sự hình thành với các hãng phim tập trung ở Thượng Hải.

Thế hệ đạo diễn thứ nhất được coi như những người đặt viên gạch đầu tiên cho nền móng của điện ảnh Trung Quốc với các tên tuổi nổi bật như Trương Thạch Xuyên, Trịnh Chính Thu, Lê Dân Vĩ, Hồng Thâm… vẫn đứng trên quan niệm về hý kịch (kinh kịch) truyền thống để làm phim.

2. Thế hệ thứ 2 (cuối những năm 1940)

Sau khi quân Nhật đầu hàng năm 1945, ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc, đặc biệt là ở Thượng Hải nhanh chóng phục hồi.

Thế hệ đạo diễn thứ hai như các đạo diễn Trình Bộ Cao, Thẩm Tây Linh, Tôn Du, Thái Sở Sinh… không chỉ là những người đưa điện ảnh Trung Quốc từ phim câm đến phim tiếng mà quan trọng hơn, họ đã khiến cho điện ảnh Trung Quốc trở thành một ngành nghệ thuật độc lập.

3. Thế hệ thứ 3 (1950-1960): Sự hình thành của điện ảnh Xã hội chủ nghĩa

Sau chiến thắng của quân đội CS trước quân Quốc Dân Đảng năm 1949, điện ảnh tiếng Hoa chứng kiến bước ngoặt quan trọng khi nó bị tách thành 3 nền điện ảnh gần như riêng biệt, điện ảnh xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc đại lục, điện ảnh Đài Loan và điện ảnh Hồng Kông. Từ năm 1951, toàn bộ các bộ phim sản xuất trước 1949, các phim Hồng Kông và phim Hollywood bị cấm tại đại lục, thay vào đó là các bộ phim tuyên truyền hoặc có đề tài tập trung vào 3 giai cấp nông dân, công nhân và quân đội.

Năm 1956, Học viện Điện ảnh Bắc Kinh được thành lập. Điện ảnh Trung Quốc cũng bắt đầu tìm được bản sắc riêng với các bộ phim về đề tài lịch sử hoặc dựa theo các tiểu thuyết, điển tích cũ.

Thế hệ đạo diễn thứ ba với Thành Âm, Tạ Thiết Li, Thủy Hoa, Thôi Nguy, Tạ Tấn… theo đuổi chủ nghĩa hiện thực, phản ánh hiện thực rộng lớn và gửi gắm triết lý nhân sinh trong tác phẩm.

4. Thế hệ thứ 4 (1960-1980) Thời kỳ cách mạng văn hóa và giai đoạn kế tiếp

Năm 1966, Cách mạng văn hóa bùng nổ đã đưa cả nền văn hóa Trung Quốc, trong đó có điện ảnh, rơi vào chỗ khủng hoảng nặng nề. Gần như toàn bộ các tác phẩm điện ảnh bị cấm lưu hành, chỉ có rất ít các bộ phim mới được sản xuất (trong đó có phiên bản vũ kịch của Hồng sắc nương tử quân năm 1971). Nền điện ảnh của Trung Quốc đại lục gần như chững lại trong giai đoạn 1966-1976, việc làm phim chỉ bắt đầu được khởi động trở lại sau khi Bè lũ bốn tên bị xét xử và chỉ thực sự hoạt động bình thường từ năm 1976.

Thế hệ đạo diễn thứ tư như Trương Noãn Hân, Ngô Di Cung, Trịnh Động Thiên, Hoàng Kiện Trung, Tạ Phi, Lý Tiền Khoan, Lục Tiểu Nhã, Hoàng Thục Cần, Dương Diên Tấn… là các đạo diễn tốt nghiệp Học viện điện ảnh Bắc Kinh đúng vào lúc bắt đầu cuộc Đại cách mạng văn hóa, do vậy sau năm 1978 họ mới có cơ hội sáng tạo trở lại. Họ đứng giữa hai thời đại cũ mới, tác phẩm của họ nghiêng về cách tân nghệ thuật, vừa do chịu ảnh hưởng của điện ảnh Phương Tây, vừa do tâm lý né tránh xã hội, chính trị bởi dư âm của thời đại trước.

5. Thế hệ thứ 5 (1980-1990)

Thế hệ thứ năm là các đạo diễn tốt nghiệp và tạo dựng sự nghiệp vào những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước. Họ chính là thế hệ đầu tiên được học hành một cách chính thức, bài bản sau khi kỳ thi đại học của Trung Quốc được khôi phục.

Trương Quân Chiêu, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Ngô Tử Ngưu, Điền Tráng Tráng, Hoàng Kiện Tân, Phùng Tiểu Cương… là những tên tuổi nổi bật. Họ nhanh chóng thay thế thế hệ thứ tư và chiếm lĩnh vị trí thống trị trong nền điện ảnh Trung Quốc đương thời.

Mặc dù so với lớp đàn anh thì phong cách sáng tạo của họ đa dạng hơn và mang cá tính rõ nét hơn, song thế hệ đạo diễn này vẫn khá thống nhất xét về cả quan niệm xã hội và quan niệm điện ảnh. Họ đã trải qua và chứng kiến, đã bị giam hãm và chịu tổn thương trong Đại cách mạng văn hóa và cùng bước ra từ đó với những ảo tưởng tan vỡ. Thế hệ này còn được gọi bằng cái tên là “những đứa con phản nghịch”. Họ bày tỏ thái độ “phản tư” với rất nhiều thứ thuộc về quá khứ. Các tác phẩm như Một người và tám người (Trương Quân Chiêu), Miền đất vàng (Trần Khải Ca), Sự kiện pháo đen (Trương Kiện Tân), Kẻ trộm ngựa (Điền Tráng Tráng)… cho thấy khuynh hướng chống lại thứ điện ảnh kịch bản kiểu truyền thống. Cao lương đỏ, Cúc Đậu (Trương Nghệ Mưu), Bá vương biệt cơ (Trần Khải Ca)… thể hiện khuynh hướng rất phổ biến trong phim của các đạo diễn thế hệ thứ năm: đó là sự quan sát quá khứ của cộng đồng và văn hóa truyền thống bằng thái độ phản tư mang đậm chất sắc lạnh của lý tính.

Cùng với các đạo diễn thế hệ thứ 5, một thế hệ ngôi sao điện ảnh mới của Trung Quốc cũng thực sự khẳng định được vị trí của mình. Tiêu biểu trong số này là Củng Lợi, nữ diễn viên đóng vai chính trong hầu hết các bộ phim của Trương Nghệ Mưu hay Khương Văn, người sau này cũng trở thành một đạo diễn xuất sắc của điện ảnh Trung Quốc.

6. Thế hệ thứ 6 (1990 đến nay) Thế hệ đạo diễn thứ 6 và nền công nghiệp điện ảnh.

Từ sau khoảng năm 2000, thế hệ đạo diễn thứ năm có sự phân hóa với những ngã rẽ khác nhau, nhưng lực thống trị nền điện ảnh vẫn còn rất mạnh mẽ. Trong hoàn cảnh đó, thế hệ thứ 6 đã dần dần hình thành, nhưng họ không đủ sức để phủ định cũng như thay thế hoàn toàn thế hệ thứ 5.

Nếu thế hệ thứ sáu được miêu tả như những đứa con cô độc, quái gở.
Trương Nguyên, Ngô Văn Quang, Vương Tiểu Soái, Hà Kiến Quân, Chương Minh, Giả Chương Kha, Quản Hổ, Lộ Học Trường, Lâu Diệp, Vương Nhất Trì, Trương Dương… và các đạo diễn thế hệ thứ sáu khác xuất hiện với những bộ phim “điện ảnh độc lập”, họ đã từng mang đến cho giới điện ảnh và công chúng cái cảm giác về họ như những kẻ lạc thời.

Đó là lúc Trung Quốc có những chuyển biến lớn và phức tạp với sự phát triển kinh tế nhanh chóng đi đôi với hàng loạt các vấn đề xã hội chưa từng xuất hiện trước kia. Điện ảnh cũng thay đổi theo đúng hướng đi “thị trường hóa” và “tư nhân hóa” mà Trung Quốc đã kiên trì theo đuổi từ khi cải cách mở cửa. Ngoài ra, sự xâm nhập của phim màn ảnh rộng Hollywood là một trải nghiệm khá phức tạp với giới điện ảnh Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, lớp đạo diễn trẻ xuất hiện như những đứa trẻ lạc lõng sinh ra trong một thời kỳ nhiều thuận lợi nhất và cũng nhiều thách thức nhất. Chưa có một thế hệ nào được hưởng một nền chính trị ổn định và kinh tế phát triển, được có cơ hội học tập và điều kiện làm việc như họ. Nhưng đồng thời, cũng chưa có thế hệ nào mà tâm thế bị cắt rời với quá khứ và mơ hồ về tương lai như họ.

—————–
Tài liệu tham khảo phần này :
1. http://daotao.vtv.vn/the-he-dien-anh-trung-quoc-the-he-thu…/
2. http://nguvan.hnue.edu.vn/…/ta…/105/newstab/536/Default.aspx

Một suy nghĩ 3 thoughts on “Các thế hệ đạo diễn Trung Quốc đại lục

  1. […] Các thế hệ đạo diễn Trung Quốc đại lục […]

    Thích

  2. […] Các thế hệ đạo diễn Trung Quốc đại lục […]

    Thích

  3. fluffybumblebee

    Bài này hay quá, cảm ơn chủ post ạ

    Thích

Bình luận về bài viết này