Từ Khắc vĩ đại của điện ảnh Hồng Kông

Có một số điều Từ Khắc không thể chắc chắn – số phim ông đã làm là một ví dụ – nhưng Từ lão quái luôn tự tin vào thành công dù người khác có nói thế nào, và thành tích của ông đã chứng mnh điều đấy. Chỉ trong vòng chưa đến 40 năm, vị đạo diễn thiên tài điên cuồng đã nhiều lần tái sáng tạo điện ảnh Hồng Kông, theo cách này hay cách khác.

Từ Khắc phát biểu tại Giải Kim Tượng năm 1992 sau khi nhận giải Đạo diễn xuất sắc 

Trong hai thập kỷ đầu làm phim, Từ Khắc đã đóng góp cho phong trào Làn sóng Mới Hồng Kông với ba tác phẩm đầu tiên của mình; cách mạng hóa vượt bậc hiệu ứng đặc biệt của điện ảnh Hồng Kông với Zu: Warriors from the Magic Mountain; sản xuất các tác phẩm kinh điển đương đại như loạt phim A Chinese Ghost Story, A Better TomorrowThe Killer; đưa Lý Liên Kiệt trở thành người anh hùng dân tộc với loạt phim Once Upon a Time in China.

Sau dấu ấn chớp nhoáng tại Hollywood với các phim cho Jean-Claude Van Damme là Double Team và Knock Off vào những năm cuối thập niên 90, Từ Khắc đã trở lại để tận dụng lợi thế của mô hình đồng sản xuất Hồng Kông – Trung Quốc. Ông tiếp tục mở rộng giới hạn, trở thành người tiên phong đưa kỹ xảo 3D vào điện ảnh Hoa ngữ với Flying Swords of Dragon Gate, phim võ thuật đương đại đầu tiên sử dụng công nghệ này.

Những phim Từ Khắc đạo diễn gần đây – Flying Swords of Dragon Gate (2011), Young Detective Dee: Rise of the Sea Dragon (2013), The Taking of Tiger Mountain (2014), Journey to the West: The Demons Strike Back (2017) và Detective Dee: The Four Heavenly Kings (2018)  – đều là các tác phẩm kỳ ảo 3D có giá trị. Kỹ năng bậc thầy của Từ đã làm lợi cho những người cùng thời, thể hiện qua ảnh hưởng của ông lên Sword Master (2016), đạo diễn Nhĩ Đông Thăng, hay The Thousand Faces of Dunjia (2017) do Viên Hòa Bình đạo diễn, Từ Khắc sản xuất.

“Trong suốt cuộc đời tôi, mọi người – từ cha mẹ và bạn bè đến sếp và giáo viên của tôi – luôn góp ý về những điều tôi muốn làm,” người đàn ông 67 tuổi này cho biết trong buổi phỏng vấn độc quyền trước khi ông bước lên bục tại Trung tâm Văn hóa Hồng Kông ngày 21/3 năm nay để nhận giải thành tựu trọn đời của Liên hoan phim châu Á lần thứ 11.

“Luôn có những người không đồng thuận với những gì tôi làm. Thực tế, hiếm ai đồng thuận. Nhưng ngay cả khi không có một ai chấp nhận những điều tôi làm, tôi vẫn khăng khăng biến nó thành sự thật – và điều này khiến tôi rất thỏa mãn. Tôi thích cho mọi người thấy rằng không gì là bất khả thi,” ông nói.

Nếu trước Journey to the West: The Demons Strike Back dấy lên sự nghi ngờ về khả năng đánh bại nghịch cảnh của Từ Khắc, thì hiện nay điều đó đã không còn nữa. Đây là niềm tự hào của Từ Khắc vì hoàn thành một dự án do Châu Tinh Trì, người nổi tiếng có cái tôi lớn, sản xuất và đồng chấp bút mà không tổn hại gì. Khi mà trong phần đầu của loạt phim này, Journey to the West: Conquering the Demons, Quách Tử Kiện đã từ đạo diễn duy nhất trở thành đồng đạo diễn của Châu Tinh Trì, trước khi hoàn toàn biến mất khỏi phần giới thiệu mở đầu phim.

“Tôi tham gia vào dự án này bởi tôi nghĩ rằng đây sẽ là một trải nghiệm rất đặc biệt,” Từ Khắc nói với một nụ cười toe toét. “Tôi ý thức rất rõ rằng Châu Tinh Trì là một người rất cứng rắn, anh ấy có cách làm việc riêng, và rằng làm việc với anh rất khó – hay ít nhất đó là những tin đồn cho thấy vậy. Cá nhân tôi thấy điều này rất thú vị. Bạn không nên đi hết cuộc đời mà không trải nghiệm những chuyện như thế.”

Từ Khắc tiết lộ một nút thắt khác: khi ông sắp sửa tuyên bố ý định làm một phim Journey to the West khác thì Châu Tinh Trì mời ông tham gia. “Khi cậu ấy gọi cho tôi, tôi cũng muốn hỏi xem liệu còn gì khác mà chúng tôi có thể hợp tác không. Đúng là trùng hợp,” Từ Khắc chia sẻ.

“Năm rồi là năm khỉ (2016), và thị trường tràn ngập các tác phẩm làm theo Journey to the West, vì vậy tôi nghĩ mình phải tuyên bố lãnh địa của mình. Nhưng sau đó Châu Tinh Trì đã ném cho tôi dự án của anh, và tôi nghĩ ngợi mất mấy ngày… Tôi phải chuẩn bị tinh thần cho những cái tôi tự mãn của những nhà làm phim nhiều kinh nghiệm. Khi có thêm một đạo diễn trên phim trường, có khả năng phải thỏa hiệp.”

Theo Từ Khắc, Châu Tinh Trì hiếm khi đến phim trường – mặc dù khi đến thì ông có nhiều điều để nói. Quan điểm của họ bắt đầu khác biệt trong phần hậu kỳ, và Từ Khắc biết rằng tình trạng ‘cà khịa’ giữa hai nhân vật gạo cội này trong trailer của The Demons Strike Back thực sự là phản ánh khá chân thực về không khí phim trường.

Từ Khắc nói phim “không hề” thể hiện phong cách làm phim của ông chút nào. “Có những điều trong tác phẩm này không tương đồng với cách tư duy của tôi. Nhưng tôi cũng tin đây không phải một bộ phim theo kiểu của Châu Tinh Trì. Chúng tôi là một tổ hợp đáng ra không nên tồn tại. Tôi đã được chuẩn bị ngay từ đầu để chấp nhận rằng phim sẽ trở thành một đứa bé đột biến. Nhưng liệu nó có tệ không? Tôi hy vọng là không,” ông cười nói.

Mặc dù The Demons Strike Back không phải là một trong những kiệt tác được giới phê bình đánh giá cao, song đây vẫn là phim có doanh thu cao nhất của Từ Khắc. Phim trước của ông, The Taking of Tiger Mountain, được giới phê bình Hồng Kông tôn sùng – mang lại cho Từ giải đạo diễn xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông (Kim Tượng) và Giải thưởng của Hiệp hội Phê bình Điện ảnh Hồng Kông năm 2016 – nhưng không được đón nhận rộng rãi bởi khán giả ở địa phương này.

Khi người viết nhắc về điều đó với Từ Khắc, ông đã cho một lời giải thích chi tiết và phức tạp về câu chuyện sản xuất dài hàng thập kỷ đằng sau dự án này. Dựa trên tiểu thuyết năm 1957 của Trung Quốc là khởi nguồn cốt truyện cho Taking Tiger Mountain by Strategy, một trong tám yangbanxi (hay nhạc kịch đương đại) được sản xuất trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Từ Khắc lần đầu tiên tiếp xúc với phiên bản kinh kịch của câu chuyện này tại New York trong những năm 1970.

“Việc một số phim nhất định được làm vào một thời kỳ nhất định là có lý do,” ông nói một cách trầm ngâm. “Như 2001: A Space Odyssey; nhiều người đã cảm thấy lúng túng và mất phương hướng, họ không biết làm thế nào để chấp nhận nó. Nhưng 10 năm sau, phim này được coi như một phim kinh điển phi thời gian, bởi đã mở ra một cách nhìn thế giới mới lạ và dũng cảm cho chúng ta, và thế giới đó đã trải đường cho những phim khoa học viễn tưởng khác từ đó.”

“Tất nhiên, doanh thu phòng vé cũng là một yếu tố, sự nổi tiếng của phim là một yếu tố, khả năng chấp nhận của khán giả là một yếu tố, nhưng chúng ta, những người chuyên nghiệp trong ngành công nghiệp sáng tạo này, có sứ mệnh của riêng mình – hay vận mệnh – trong cuộc đời. Chúng ta không bao giờ biết sự đời sẽ ra sao.”

Từ Khắc dừng lại, trước khi nói thêm về Giải thưởng Điện ảnh châu Á của mình: “Cũng như giải thành tựu trọn đời này: tôi cũng không biết điều gì khiến tôi được trao giải.”

“Tôi không biết tôi nên điều chỉnh cách nhìn nhận của mình với giải thưởng này thế nào. Với tư cách một nhà làm phim, tất cả những gì chúng tôi làm là cố gắng hoàn thành bộ phim đang làm. Bạn cố gắng khiến nó hay nhất có thể, nhưng sản phẩm cuối cùng sẽ luôn có sạn. Vì vậy qua nhiều năm, tôi không cố đánh giá các tác phẩm của mình nữa; hầu hết thời gian tôi chỉ nhìn qua những tác phẩm gần đây của mình và xem xét tiếp sau đây mình nên làm gì.”

Khi người viết hỏi Từ Khắc ông có nhớ chính xác con số phim ông đã đạo diễn không, ông nói ông “cũng lúng túng”. Theo ghi nhận, 48 phim đã hoàn thiện được ghi nhận trong Internet Movie Database, 45 trên Wikipedia, và 38 trên bản thành tích mà trợ lý của ông cung cấp cho người viết sau buổi phỏng vấn.

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post

 

 

 

 

 

 

Một suy nghĩ 2 thoughts on “Từ Khắc vĩ đại của điện ảnh Hồng Kông

  1. […] Từ Khắc vĩ đại của điện ảnh Hồng Kông […]

    Thích

Bình luận về bài viết này