[Review] Looper

Bất chấp Inception, và bất chấp cả The Dark Knight Rises, ấn tượng của đại bộ phận khán giả khi nhắc đến Joseph Gordon-Levitt cho tới tận bây giờ vẫn là chàng trai hiền lành và ngơ ngác đến tội nghiệp, bị con ranh Summer hành hạ lên bờ xuống ruộng trong 500 Days with Summer. Bởi thế cho nên khi biết chàng vào vai một gã sát thủ giết người đều đặn và thản nhiên như sáng sáng ta làm một tô phở, phần lớn người xem không khỏi tò mò.

Quả vậy. Ngày ấy, giờ ấy, đến một bãi đất hoang, đợi nạn nhân được “gửi đến” từ tương lai, nổ súng, thủ tiêu cái xác, đi đổi bạc, rồi đến hộp đêm giải khuây với một cô gái thoát y quen – đó là cuộc sống hàng ngày của Joe, một tay “looper”  ở Kansas City năm 2044, nhàm chán nhưng tiền bạc xông xênh. Một ngày kia, nhịp sống của gã đột ngột bị gián đoạn khi con mồi được tay trùm mafia của tương lai gửi về chính là Joe của tương lai (Bruce Willis). Joe già nhanh chân chạy thoát; và Joe trẻ, trong cuộc săn đuổi chính bản thân mình, bỗng nhận ra: câu chuyện phức tạp hơn gã tưởng rất nhiều…

Khách quan mà nói, Looper là một B-movie thực thụ, và chắc chắn không có chút cơ hội nào được bén mảng đến gần tượng vàng Oscar. Thế nhưng, ngay trong số các phim-hạng-A được đề cử của năm nay, không phải phim nào cũng vừa được lòng cả khán giả lẫn giới phê bình như Looper. Và họ hài lòng cũng đúng, bởi một B-movie có tính giải trí cao song vẫn làm người xem bồi hồi suy nghĩ không phải là thứ xuất hiện nhiều trên màn bạc ngày nay.

Thông thường, một bộ phim viễn tưởng, đặc biệt là khi xuất hiện yếu tố du hành thời gian, sẽ thu hút sự chú ý của khán giả vào phân tích logic. Nhưng ở đây, đạo diễn kiêm biên kịch Rian Johnson đã khéo léo mượn lời Joe già khuyên Joe trẻ, để nhắc nhở chúng ta: “Anh không định nói chuyện du hành thời gian bởi nếu sa đà vào đó thì anh với chú sẽ ngồi đây cả ngày vẽ sơ đồ bằng ống hút.” Du hành thời gian, với Rian, có lẽ chỉ là một cái cớ rất duyên để khai thác những chủ đề khác.

Bởi Looper không chỉ có hành động và viễn tưởng. Đây còn là câu chuyện của nỗi hoang mang và lạc lối, của tuổi trẻ bị phí hoài, của tuổi già nuối tiếc và khát thèm một cơ hội thứ hai. Đồng thời, nó còn chứa đựng một thông điệp mà hẳn các nhà giáo dục sẽ nhiệt liệt tán thành: tình yêu và gia đình có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành nhân cách trẻ em. Rất may cho khán giả là Looper đã truyền tải thông điệp ấy một cách nhẹ nhàng mà khéo léo, để chúng ta, những người trả tiền để được giải trí, không có cảm giác bị nhồi tận họng một bài học đạo đức cũ mèm và sáo rỗng.

Ở Looper, Gordon-Lewitt diễn rất ra một gã sát thủ chán đời. Đôi lông mày xuôi xị đã thành thương hiệu của gã chẳng bao giờ nhướng lên, dù bất cứ điều gì xảy ra. Giống như bao đồng nghiệp, gã sống một cuộc sống không nghĩ tới ngày mai, một lối sống sẽ giết chết tương lai của chính họ, theo đúng nghĩa đen của từ này. Đối lập với vẻ trầm lặng uể oải của Joe là gã đồng nghiệp Kid Blue (Noah Segan) hung hăng và bốc đồng đến tội nghiệp, người mà mỗi lần xuất hiện lại đem đến một không khí hài hước kỳ quái cho bộ phim. Nhưng sau gương mặt chán ngán tình đời ấy, lại là nỗi cô đơn lạc lối của một đứa trẻ, điều đã ám ảnh Joe suốt đời. Hồi trẻ, gã bấu víu vào cô vũ nữ thoát y Suzie thế nào thì về già, gã cũng bấu víu vào Xu Qing như thế. Không phải như một tình nhân hay một người vợ, mà như một người mẹ, cho gã cảm giác được yêu thương, được bình yên. Bởi thế nên khi phanh xe trong cơn thác loạn trước một đứa trẻ lang thang, mắt gã mới thất thần đến thế. Bởi gã đang nhìn vào chính tuổi thơ và nội tâm của gã. Seth bạn gã (Paul Dano) cũng chung niềm hoang mang ấy. Lý do khiến Seth để sổng gã-của-tương-lai là con mồi đã hổn hển hát đúng bài hát ru mẹ gã năm xưa từng hát. Giai điệu ấy đã thức tỉnh một điều gì thẳm sâu trong tiềm thức, khiến gã không thể xuống tay, không thể hạ sát chính mình.

Và qua lời Seth, Joe trẻ được biết rằng ở tương lai, một nhân vật bí ẩn biệt danh Rainmaker đang tiêu diệt lần lượt tất cả looper bằng cách gửi họ về ba mươi năm trước cho quá khứ thủ tiêu. Joe già đang an hưởng tuổi già bên người vợ trẻ xinh đẹp thì bị thuộc hạ của Rainmaker phá tan giấc mộng lành. Gã điên cuồng trở về quá khứ nhằm giết chết đứa trẻ tương lai sẽ trở thành Rainmaker. Đến đây, nàng Emily Blunt xinh đẹp bất ngờ xuất hiện trong vai một bà mẹ đơn thân sống cùng con trai ở một trang trại ngoại ô. Vai diễn của Emily có thể nói là một suối nguồn tươi trẻ tưới vào bộ phim lẽ ra sẽ khá khô khan này. Sara vừa có sự quyết liệt của một ả gà mái bảo vệ con, vừa có sự quyến rũ căng tràn nhựa sống của một người đàn bà thành thục. Hai thái cực mạnh mẽ và dịu dàng đã hòa làm một trong hình hài hấp dẫn một cách khỏe khoắn của Sara. Đây có lẽ là điều đáng nhớ nhất ở bộ phim. Điều thứ hai, e hèm, là bài học đạo đức mà nó đem lại. Và cũng chính nhờ Sara, chúng ta mới biết rằng một chú ếch đồ chơi kêu bip bip có thể mở ra những cánh cửa thần kỳ đến thế.

Có thể nói bước ngoặt của phim bắt đầu khi Joe trẻ đặt chân lên ruộng mía của Sara. Mía có lẽ là một chỉ dấu kín đáo về sự ngọt ngào của tình mẫu tử, điều mà Joe luôn thiếu thốn và luôn khát khao tìm kiếm. Và mía cũng tượng trưng cho cả một thế hệ tương lai. Thế nên Sara mới ương bướng không đốt bỏ ruộng mía của cô theo lời Joe dù nó đã chết một nửa (giống như cô chỉ có một mình để nuôi dạy đứa con) bởi vì “Đó là hạt giống cho mùa sau!” Ruộng mía ấy chính là nơi người xem được chứng kiến một thứ tình người trìu mến lạ thường, thứ đã nâng Looper lên và đưa nó vượt qua cái ngưỡng vốn rất khó vượt qua của một bộ phim hạng B thông thường. Đó là khi Sara dịu dàng quở trách và săn sóc Joe như một người mẹ chăm con. Đó là khi Cid gần gũi nép vào lòng Joe một cách tự nhiên, tìm thấy ở gã bóng dáng người cha mà cậu hằng mong mỏi. Và đó còn là khi, nhờ chú ếch xanh mai mối, hai con người cô đơn ấy tìm đến với nhau trong đêm, vội vàng và vụng trộm, như thể biết đây là lần đầu tiên và cũng sẽ là duy nhất. Trong đời họ.

Bài đã đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 3/2013.

Nham Hoa

Bình luận về bài viết này